Trên The Player’s Tribune ngày 15/11, tuyển thủ Brazil sắp dự World Cup 2022 Antony kể về khó khăn khi sinh ra trong khu ổ chuột, ví niềm vui được chơi bóng là món quà từ thiên đường.

Antony khống chế bóng trong trận Man Utd – Sheriff Tiraspol trên sân Old Trafford ở Europa League ngày 27/10. Anh đầu quân cho Man Utd từ Ajax với giá 105 triệu USD hè vừa qua. Ảnh: Reuters

Tôi sinh ra trong địa ngục – không hề đùa nhé.Với những người bạn châu Âu chưa từng nghe tới, favela – khu ổ chuột mà tôi lớn lên tại Sao Paulo – được gọi là “Inferninho” – Tiểu địa ngục. Nếu các bạn muốn hiểu về con người tôi, bạn cần biết tôi tới từ đâu: Quá khứ, nguồn gốc của tôi. Nó là Inferninho!Đó là một nơi tai tiếng. Cách nhà tôi vài bước chân là địa bàn hoạt động của một nhóm buôn ma tuý, tay truyền tay nhau luôn! Gần tới mức mùi của chúng thường xuyên đặc quánh quanh cửa sổ nhà tôi. Một trong những ký ức đầu đời của tôi là cha rời khỏi nhà ngày Chủ Nhật để mắng đám tệ nạn đó cuốn đi chỗ khác mà “làm việc”, bởi đám trẻ chúng tôi đang muốn xem một trận bóng đá.Chúng tôi quen với súng đạn đến mức nhìn chúng chẳng thấy sợ gì. Súng cũng chỉ là một phần của cuộc sống thường ngày mà thôi. Chúng tôi sợ đám cảnh sát tới gõ cửa nhà hơn. Có lần, họ hò hét và lao vào nhà tôi để tìm một ai đó. Đương nhiên họ chẳng tìm thấy gì, nhưng với một đứa trẻ, những khoảnh khắc ấy sẽ hằn sâu trong tâm trí.Có nhiều thứ tôi chứng kiến, chỉ những ai từng trải qua mới hiểu được. Khi mới 8 hay 9 tuổi gì đó, tôi từng gặp một xác chết trên đường đi học. Ở favela, bạn dần trở nên vô cảm trước những thứ đó, bởi làm gì còn đường khác tới trường? Thế là tôi đành nhắm mắt và bước qua xác người đàn ông đó.Tôi kể lại chuyện này không phải để cố tỏ ra ngầu đâu, bởi nó là thực tại của tôi mà. Trong thực tế, tôi luôn nói rằng mình rất may mắn khi còn bé bởi dù trải qua vô vàn khó khăn, tôi vẫn nhận được một món quà từ thiên đường. Trái bóng là cứu tinh của tôi, là tình yêu từ khi còn nằm trong nôi. Ở Inferninho, chúng tôi không quan tâm tới đồ chơi Giáng Sinh. Chỉ cần một trái bóng lăn được là tuyệt lắm rồi.

Antony (thấp nhất trong ảnh) khoác áo CLB quê nhà Sao Paulo lúc bé. Ảnh: Instagram / Antony

Ngày nào cũng vậy, anh trai sẽ đưa tôi ra quảng trường để chơi bóng đá. Ở favela, ai cũng chơi bóng. Từ già trẻ lớn bé, từ các chú công nhân xây dựng, tài xế cho tới cả đám bất hảo. Tại đây, ai cũng bằng vai phải lứa. Thời của bố tôi, sân bóng là những mảnh đất bụi bặm. Tới thời tôi, thánh địa là sân bê-tông. Thời gian đầu, tôi chơi bóng bằng chân đất, lấm lem đầy máu. Nhưng khi đó, tôi lấy đâu ra tiền mà mua giày xịn? Tôi nhỏ con, nhưng đổi lại rê bóng như ý của Chúa. Rê bóng luôn là đam mê với tôi, nó như một thứ bản năng. Và tôi từ chối cúi đầu nhường bất kỳ ai. Dù là đám tội phạm, chú lái xe hay mấy gã trộm cướp, tôi cũng chẳng quan tâm, chiến tất! Với trái bóng trong chân, tôi chẳng có nỗi sợ nào cả!Tôi học các tuyệt chiêu từ những huyền thoại như Ronaldinho, Neymar và Cristiano. Tôi xem họ miết trên Youtube, nhờ ông chú Toniolo. Ổng chẳng phải chú ruột tôi đâu, nhưng ông hàng xóm này đối xử với tôi như gia đình. Khi còn bé tí, chú đã cho tôi dùng ké wifi để lên Youtube và “học” đá bóng. Trò chơi điện tử đầu đời của tôi cũng là quà của Toniolo. Nếu có hai ổ bánh mỳ, chú sẽ chỉ giữ một cho mình và chia cho chúng tôi ổ còn lại. Đó là thứ người ta không hiểu về favela: Cứ có một người xấu thì sẽ bù lại bởi hai người tốt.Tôi luôn nói rằng mình lớn lên ở sai chỗ, nhưng đúng người. Năm 8 tuổi, vị thần may mắn đầu tiên ghé thăm khi tôi đang chơi ở quảng trường. Khi tôi đang đá như múa trước đám tội phạm, một người đàn ông chăm chú đứng xem. Sau một hồi, ổng quay sang hỏi mọi người:”Thằng nhóc kia là ai thế?””Nhóc đó á? Antony.”Hoá ra đó là Giám đốc của Gremio Barueri. Ông ấy cho tôi cơ hội đầu tiên để rời khỏi khu ổ chuột và chơi cho đội futsal. Kể từ đó tôi bắt đầu biết mơ mộng. Tôi nhớ có ngày nọ đang đi dạo với mẹ thì thấy một chiếc xe màu đỏ cực ngầu đi ngang qua. Đó chỉ là một chiếc Range Rover, nhưng với tôi nó như một chiếc Ferrari vậy. Nó ngầu tới mức ai cũng phải ngoái lại nhìn, còn tôi quay sang nói với mẹ: “Mẹ à, một ngày nào đó khi trở thành cầu thủ, con sẽ mua chiếc xe đó”.

Antony (trái) và anh trai trên mảnh sân bê tông họ chơi bóng trong khu ổ chuột ở quê nhà Sao Paulo. Đây cũng là nơi Antony nuôi dưỡng giấc mơ thoát nghèo bằng bóng đá. Ảnh: NOS

Dĩ nhiên, mẹ tôi cười phá lên khi nghe thằng nhóc con là tôi nói vậy. Nhưng tôi thì rất nghiêm túc: “Mẹ yên tâm, sau một thời gian con sẽ cho mẹ lái cùng nhé”.Thời ấy, tôi vẫn ngủ cùng bố mẹ, vì làm gì có tiền mà mua giường riêng. Tối nào cũng vậy, quay sang một bên là thấy mẹ, quay sang đằng kia là thấy bố. Chúng tôi cực kỳ thân thiết, và đó là thứ giúp cả nhà vượt qua khó khăn. Thế rồi một ngày nọ, bố mẹ tôi quyết định chia tay. Đó là khoảnh khắc khó khăn nhất cuộc đời bởi ít ra trước đó, gia đình tôi còn có nhau. Giờ đây khi tôi ngó sang phần giường của mẹ, bà chẳng còn ở đấy nữa.Một cảm giác thật đau đớn, nhưng cũng tiếp thêm cho tôi nhiều động lực. Tôi thường nhắm mắt và tự nhủ: “Mình sẽ đưa cả nhà ra khỏi cảnh này”. Cha tôi thường rời nhà đi làm lúc năm giờ sáng và trở về lúc tối muộn. Tôi thường bảo ông: “Giờ bố đang vất vả vì con, nhưng nhanh thôi, con sẽ lo được cho bố”.Nếu bạn nói chuyện với truyền thông, họ sẽ luôn hỏi bạn về những giấc mơ. Nào là Champions League, World Cup cho đến Quả Bóng Vàng châu Âu. Nhưng với tôi, chúng là mục tiêu, không phải giấc mơ. Giấc mơ duy nhất của tôi là đưa bố mẹ thoát khỏi khu ổ chuột. Chẳng hề có kế hoạch B nào cả.Ở tuổi 14, tôi có cơ hội ở Sao Paulo. Hàng ngày sau giờ học, tôi sẽ tới học viện với cái bụng đói meo. Có những ngày đẹp trời khi tôi và đám bạn hùn tiền mua chung một chiếc bánh trên đường về nhà. Tôi chẳng hề phải giả vờ lấy cái đói làm động lực, bởi tôi đói thật mà!Sâu thẳm trong tôi có một thứ thôi thúc, gọi là cơn thịnh nộ cũng được. Tôi có vấn đề trong việc kiểm soát cảm xúc và có ba lần suýt bị đuổi khỏi đội bóng. May thay cả ba lần đó đều có người đứng ra bảo lãnh, năn nỉ giữ tôi lại. Mọi thứ đều là kế hoạch của Chúa. Tôi rất mảnh khảnh, nhưng luôn chơi với “đôi mắt máu lửa”. Đó là sự dữ dội của đường phố, thứ chẳng thể giả tạo. Mọi người cứ nghĩ tôi đùa khi nghe rằng tôi vẫn sống ở favela sau khi ra mắt đội một Sao Paulo. Nhưng đó là sự thật: Ở tuổi 18, tôi vẫn ngủ cùng giường với bố. Thì chẳng lẽ nằm ở trên ghế?

Antony thời còn khoác áo đội trẻ Sao Paulo. Ảnh: Instagram / Antony

Năm 2019, sau khi ghi bàn vào lưới Corinthians trong trận chung kết giải vô địch bang Sao Paulo – Paulista, tôi về nhà. Người dân xung quanh chỉ vào tôi: “Ê nhóc, vừa thấy chú mày trên TV cơ mà. Nhóc làm gì ở đây thế?”Tôi đáp: “Ông anh à, em sống ở đây mà”. Ai nghe cũng cười, chắc tưởng tôi đang giỡn.Một năm sau, tôi chơi ở Champions League trong màu áo Ajax. Mọi thứ chuyển biến nhanh vậy đấy. Tôi không chỉ có giường riêng, mà còn có mua được cho mẹ chiếc Range Rover đỏ. Tôi nhắc lại bà câu chuyện năm xưa: “Mẹ thấy không, con đã nói là con làm được mà”.Năm 10 tuổi khi nghe tôi nói, mẹ bật cười. Còn giờ đây khi nghe lại câu chuyện ấy, bà bật khóc. Tôi đi từ khu ổ chuột tới Ajax rồi Man Utd trong ba năm. Mọi người vẫn hay hỏi tôi làm sao mà đổi đời nhanh thế. Thú thực chìa khóa thành công của tôi là không bao giờ cảm thấy sức ép, cũng chẳng biết sợ. Còn gì phải sợ trong bóng đá khi bạn từng phải bước qua xác chết trên đường đi học? Những thứ tôi từng chứng kiến, có nằm mơ các bình luận viên cũng không tưởng tượng được. Có những thứ ám ảnh bạn cả đời.Trong cuộc sống, chúng ta phải chịu đựng, phải lo lắng, phải khóc. Nhưng trong bóng đá thì khác. Với trái bóng trong chân, thứ duy nhất bạn nên cảm thấy là niềm vui. Tôi sinh ra đã là người ham rê bóng. Đó là con người tôi, là món quà đưa tôi từ khu ổ chuột tới Old Trafford – Nhà hát của những Giấc mơ. Tôi sẽ không bao giờ thay đổi lối chơi, bởi đó không đơn thuần là một phong cách, nó còn chính là con người tôi. Nó cũng là một phần của người Brazil.

Antony phô diễn tài nghệ ở Sao Paulo

Antony phô diễn tài nghệ ở Sao Paulo.
Nếu bạn chỉ xem những clip 10 giây về tôi, bạn sẽ không bao giờ hiểu được đâu. Không động tác nào của tôi là trò đùa cả, mọi thứ đều có mục đích: tiến lên trực diện, gieo rắc nỗi sợ vào đối phương, tạo ra khoảng trống, tạo ra khác biệt cho đội bóng. Nếu bạn nghĩ tôi là một gã hề, có lẽ bạn không hiểu câu chuyện của tôi. Nghệ thuật của Ronaldinho, Cristiano và Neymar đã truyền cảm hứng cho tôi từ tấm bé. Tôi đã xem những vị Thánh ấy với cái miệng há hốc vì kinh ngạc, trước khi ra sân bê-tông và cố gắng tái hiện sự thiên tài của họ.Kể cả khi bạn sinh ra trong địa ngục, đó vẫn là một món quà từ thiên đường.Khi mọi người hỏi: “Lối chơi của cậu có mục đích gì? Cậu muốn gửi thông điệp gì vậy?”. Câu trả lời là tôi đang gửi một thông điệp về nhà. Tại châu Âu, nơi bàn ăn tối nào cũng có bánh mỳ, đôi lúc người ta quên đi bóng đá cũng chỉ là một trò chơi. Một trò chơi tuyệt vời, những cũng chỉ là trò chơi mà thôi. Cuộc sống mới khốc liệt, hoặc chí ít nó như vậy đối với những người sinh ra ở địa ngục như tôi.Tôi luôn nói rằng dù đi bất cứ đâu và xảy ra bất cứ chuyện gì, tôi vẫn sẽ đại diện cho nơi đã dạy tôi tất cả. Không có quê hương và gia đình làng xóm, mọi thứ sẽ chẳng nghĩa lý gì cả. Trên đôi giày tôi mang mỗi trận đấu luôn có dòng chữ “Favela”. Và như vậy, mỗi lần tôi buộc giày, tôi nhớ lại mọi thứ.Đó là câu chuyện của tôi, và nếu bạn vẫn không hiểu tôi hay nghĩ rằng tôi là một gã hề, tôi sẽ chỉ vào dòng chữ trên tay tôi: “Bất kỳ ai tới từ favela đều sẽ biết một phần những gì tôi đã trải qua”.Những dòng chữ ấy nói thay lời tôi, và thay cho tất cả chúng tôi.Thịnh Joey dịch

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *