Sinh năm 1989, thuộc thế hệ bác sĩ thể thao trẻ của bóng đá Việt Nam, nhưng Dương Tiến Kỷ đã có thâm niên chín năm chữa trị cho các cầu thủ qua ba CLB khác nhau.

Bác sĩ Dương Tiến Kỷ trên sân tập cùng các cầu thủ Thanh Hoá. Ảnh: Đồng Việt.

– Con đường nào đưa anh tới công việc hiện tại?- Bảo là đam mê thì hơi “kịch”. Nhưng quả thật, nếu không yêu bóng đá, chắc chắn tôi đã chọn cho mình một ngã rẽ khác. Ngay sau khi tốt nghiệp Học viện Y Dược học Cổ truyền, tôi đã gia nhập CLB Thanh Hoá năm 2012, khi đó còn chơi ở hạng Nhì. Suốt những năm sau đó, tôi làm việc tại CLB Vientian của Lào rồi CLB Sài Gòn. Và từ 2017, tôi trở lại gắn bó với đội bóng quê hương Thanh Hoá.- Vậy, bác sĩ thể thao giống và khác gì so với các bác sĩ thông thường?- Chúng tôi được đào tạo giống nhau theo các chuyên nghành. Tuy nhiên, yêu cầu cho bác sĩ thể thao rộng hơn một chút. Bởi, ngoài việc phải nắm vững giải phẫu, bệnh lý và điều trị, chúng tôi còn phải biết về tập phục hồi, dinh dưỡng cũng như kinh nghiệm thực tế. Nói thế không đồng nghĩa với việc nói rằng bác sĩ thể thao “giỏi hơn” các bác sĩ khác, mà thực tế công việc đòi hỏi chúng tôi phải làm nhiều hơn một chút.Ví dụ thế này, với cùng một chấn thương, các bác sĩ khác chỉ cần điều trị giúp bệnh nhân quay trở lại cuộc sống bình thường là hoàn thành. Nhưng các bác sĩ thể thao còn phải tập phục hồi cho riêng vị trí bị chấn thương, chuẩn bị thể lực cho VĐV và tiếp tục giúp họ vượt qua các bài kiểm tra để trở lại tập luyện cùng đội bóng mới được coi là xong việc.- Về đãi ngộ thì sao?- Điều này tuỳ thuộc vào các CLB. Một số có chế độ đãi ngộ tốt, thì các bác sĩ sẽ yên tâm tập trung vào công việc. Còn ở những CLB khác, các bác sĩ thể thao phải tìm thu nhập bên ngoài như bán băng, bán dụng cụ hỗ trợ tập phục hồi… Dù vậy, công việc tay trái đó cũng không mang lại nhiều hiệu quả bởi thời gian làm việc một ngày của bác sĩ thể thao từ 12 đến 16 tiếng mỗi ngày. Đến thời gian cho gia đình, nghỉ ngơi bản thân còn thiếu nữa là kiếm thêm.- Trong số các HLV mà anh từng làm việc cùng ở V-League, ai là người coi trọng nhất công việc của bác sĩ thể thao?- Thực tế, mỗi HLV đều có cách quản trị nhân sự và quan điểm nghề nghiệp riêng. Họ đều coi trọng công việc của bác sĩ thể thao, nhưng nếu là người sát sao nhất thì chắc chắn đó là Petrovic – HLV đương nhiệm của Thanh Hoá. Mỗi khi có cầu thủ bị chấn thương, ông ấy luôn chủ động thăm hỏi tình trạng và tiến độ phục hồi hàng ngày. Và chỉ khi nào tôi đồng ý để họ tập trở lại, ông ấy mới yên tâm sử dụng cầu thủ. Đó cũng là điều dễ hiểu vì Petrovic là một HLV lão luyện, từng thành công ở môi trường bóng đá châu Âu.- Còn ca chấn thương nào để lại nhiều ấn tượng nhất?- Đó là Trọng Hùng. Năm 2018, cậu ấy còn là cầu thủ trẻ nhưng đã được đánh giá cao. Chuẩn bị cho mùa giải, Hùng va chạm với một cầu thủ thử việc nước ngoài và bị choãi gối. Tiên đoán sơ bộ ngay lúc đó là đứt dây chằng, và một tài năng có thể mãi mãi không bước ra được ánh sáng. Đó là nỗi ám ảnh của bác sĩ thể thao! Rất may, sau khi nẹp cố định trong 10 ngày, kết quả chụp MRI chỉ là giãn dây chằng. Cái thở phào lúc đó đến bây giờ tôi còn nhớ rõ. Và sau đó, Trọng Hùng cùng U22 Việt Nam vô địch SEA Games.- Công việc của bác sĩ thể thao như thế nào trong những ngày các giải đấu tạm hoãn do dịch bệnh?- Thực sự rất mệt! V-League tạm hoãn nhưng các cầu thủ luôn trong tình trạng sẵn sàng thi đấu trở lại bất cứ lúc nào, thế nên các đội bóng vẫn rèn thể lực rất kỹ. Và đây chính là giai đoạn nhiều chấn thương do tập với cường độ cao. Ngoài ra, về dinh dưỡng cũng phải chú ý cung cấp các nhóm thực phẩm giàu vitamin để tăng sức đề kháng, đồng thời đẩy nhanh quá trình hồi phục cho các cầu thủ.- Mong ước của anh cho bản thân trong ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2 là gì?- Dĩ nhiên là cầu chúc sức khoẻ cho tất cả cầu thủ, HLV… Mong cho các giải đấu của Việt Nam diễn ra suôn sẻ, mang tới niềm vui cho người hâm mộ. Bởi, cuộc sống của chúng ta vốn khó khăn vì Covid-19 lắm rồi.Đồng Việt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *