Nhiều người tìm xem các trận bóng của World Cup 2022 trên YouTube, nhưng chỉ thấy những hình ảnh mô phỏng trong game hoặc video cũ.
“Xem vài phút tôi mới nhận ra nội dung là giả”, Huy Hoàng (Hà Nội) nói về trận đấu giữa đội tuyển Nhật Bản và Đức anh xem trên YouTube tối qua.Video với tiêu đề “Xem trực tiếp Đức – Nhật Bản ngày 23/11 Bảng E World Cup 2022” được anh tìm thấy khi tra cứu qua Google. Trong video, hình ảnh trận đấu quay từ góc xa, bình luận bằng tiếng Việt, nhưng hình ảnh hơi bệt, khiến Hoàng nghĩ là do tín hiệu đường truyền kém nên bị giảm chất lượng. “Đến khi đọc bình luận trên livestream và xem góc cận mặt cầu thủ, tôi mới biết là hình ảnh trong trò chơi FIFA 23 mô phỏng World Cup”, Hoàng kể.Không chỉ riêng Huy Hoàng, hàng chục nghìn người khác cũng đã vô tình xem nhầm video trực tiếp World Cup trên YouTube, kể từ khi giải đấu diễn ra hôm 20/11. Ví dụ, một video livestream trên YouTube cùng lúc trận đấu giữa Đức và Nhật Bản diễn ra đã thu hút gần 40.000 người truy cập cùng lúc, dù chỉ là video trong game. Một video 90 giây tổng hợp thông tin trước trận đấu, nhưng được đặt tiêu đề tương tự, cũng thu hút hơn 800 người xem trực tiếp. Trong phần bình luận, hàng loạt người dùng chỉ trích chủ kênh lừa đảo, câu view.
Video dài 90 giây với hình ảnh và tiêu đề giống các video trực tiếp bóng đá xuất hiện trên YouTube dịp World Cup, thu hút hàng trăm nghìn lượt xem.
Chiêu trò câu view, kiếm tiềnTrên YouTube, trước mỗi trận đấu tại World Cup, hàng loạt nội dung liên quan xuất hiện dưới dạng video và livestream. Các nội dung này thường sử dụng tiêu đề nhấn mạnh chữ “trực tiếp”, cùng biểu tượng chấm tròn đỏ, khiến nhiều người tưởng có thể theo dõi trực tiếp bóng đá. Những video này có thể được tìm thấy qua Google Search hoặc trên khung tìm kiếm của YouTube.”Phải đọc kỹ mới thấy họ ghi là nội dung mô phỏng, hoặc bình luận, tổng hợp về trận đấu”, Ngọc Thanh (Hà Nội), từng xem nhầm một trận đấu World Cup cho biết.Theo Khiêm Vũ, quản trị viên một cộng đồng người làm nội dung số tại Việt Nam, đây là chiêu trò quen thuộc của giới làm YouTube. “Họ thường tận dụng những khi có sự kiện lớn, nhiều người quan tâm để tạo livestream dù không có nội dung người dùng cần”, ông Khiêm nói. Chẳng hạn, một số kênh từng bị chỉ trích vì giả mạo livestream siêu bão, hay đám tang các nghệ sĩ tên tuổi…Trong phần lớn video về trực tiếp World Cup trên YouTube những ngày qua, nội dung được các kênh sử dụng là tính năng mô phỏng của trò chơi FIFA 23, hoặc ảnh và video cũ tổng hợp, thay vì trận đấu thực.
Một video mô phỏng phát cùng giờ trận đấu thực, thu hút hơn 26.000 người xem trực tiếp. Ảnh: Lưu Quý
Theo ông Khiêm, các video “giả trực tiếp World Cup” có thể vi phạm chính sách của YouTube vì nền tảng này cấm video sử dụng tiêu đề, hình ảnh và mô tả gây hiểu lầm cho người xem. Tuy nhiên, tình trạng trên vẫn diễn ra tràn lan do trong quá trình người xem truy cập, chủ kênh có thể đã kiếm được tiền từ việc hiển thị quảng cáo.Những video này sau đó sẽ được ẩn hoặc sửa để tránh bị soi từ Google. “Về lý thuyết, với thời lượng kéo dài hàng giờ của các trận bóng đá, chủ kênh có thể thu được hàng trăm USD từ các video dạng này”, Nguyễn Huyền, một người làm nội dung YouTube lâu năm, nhận định.Ngoài ra, sau khi thu hút được lượng lớn người quan tâm, các kênh có thể điều hướng người dùng sang những trang khác. Ví dụ, trên kênh Minute 90… chuyên phát các trận mô phỏng World Cup có ghim các đường link dẫn người dùng đến trang chuyên phát bóng đá lậu và cá cược bóng đá. Còn với những người như Hoàng, Thanh, nội dung gây nhầm lẫn không chỉ khiến họ mất thời gian, mà còn có thể bỏ lỡ các diễn biến của trận đấu thực sự.Lưu Quý