Vượt qua trở ngại hình thể, VĐV người Thái trắng Ngần Ngọc Nghĩa liên tục đột phá trên đường chạy, mà đỉnh cao là hai lần phá kỷ lục quốc gia ở nội dung 100m nam.

Ngần Ngọc Nghĩa chiến thắng ở nội dung 100m tại giải vô địch quốc gia 2020 trên sân Mỹ Đình (Hà Nội). Ảnh: Kim Hòa.

Sau năm ngày thi đấu tại giải điền kinh vô địch Quốc gia 2020, Ngần Ngọc Nghĩa là một trong những tên tuổi nổi bật nhất. Tại nội dung 100m, anh phá kỷ lục quốc gia do chính mình thiết lập năm 2018 ở Đại hội TDTT toàn quốc. Năm nay, Ngọc Nghĩa hoàn thành phần thi sau 10 giây 40, ít hơn 0,07 giây so với cách đây hai năm. Ở nội dung 4x100m tiếp sức nam, anh chạy cuối và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, mang HC vàng cho đoàn CAND.Hai năm qua, Ngọc Nghĩa được xem là niềm hy vọng mới của điền kinh Việt Nam. Sau thời Lê Trọng Hinh, làng chạy nước nhà mới có một VĐV cự ly ngắn tốt như thế.Cũng như các VĐV đỉnh cao khác, con đường vinh quang của Ngọc Nghĩa không hề bằng phẳng. Anh thậm chí gặp nhiều bất lợi trong thời gian đầu đến với điền kinh. HLV Nguyễn Văn Hoàng kể lại: “Khi tuyển chọn Ngọc Nghĩa tại Sơn La, tôi thấy bàn chân cậu ấy bị bẹt. Đây là bất lợi của một VĐV điền kinh. Tuy nhiên, không phải vì thế mà tôi bỏ qua những tố chất khác của Nghĩa”.”Với VĐV bình thường, bàn chân cong sẽ tăng độ đàn hồi khi tiếp xúc với mặt đất. Nhưng với Nghĩa, lực chân sẽ thấm xuống mặt đất nhiều hơn. Bàn chân trái của Nghĩa cũng bị hướng ra bên ngoài, đi hình chữ bát nên khi di chuyển sẽ phát tán lực sang bên chứ không tập trung hướng về phía trước”, ông Hoàng phân tích thêm.

Đôi chân không bình thường của Ngần Ngọc Nghĩa. Ảnh: Kim Hòa.

Một phần nguyên nhân khiến chân Ngọc Nghĩa bị bẹt hơn bình thường là anh sống ở vùng cao, thường xuyên leo núi. Chân chạy sinh năm 1999 chia sẻ: “Khi nhỏ, tôi ham chơi, ngày nào cũng leo núi với bạn bè. Đến khi ăn tập chuyên nghiệp, bàn chân bẹt gây ra nhiều phiền toái, nhất là tập cơ và các bài sức mạnh. Khi chạy, gan bàn chân cương cứng, rất đau”.Nhưng trong mắt HLV Nguyễn Văn Hoàng, Nghĩa là một VĐV giàu tiềm năng. Ông vạch ra lộ trình luyện tập đặc biệt giúp học trò khắc phục những bất lợi từ đôi bàn chân. Đến nay, dù đã hai lần phá kỷ lục quốc gia, chân chạy 21 tuổi vẫn hàng ngày tập các bài bổ trợ cho đôi bàn chân. Một trong số đó là bài chạy hướng mũi chân trên một đường thẳng, để tránh bị hướng bàn chân ra ngoài.Chịu đau mỗi lần tập bài, nhưng Ngọc Nghĩa chưa bao giờ chán nản. Sự tiến bộ từng ngày khiến anh cảm thấy nỗ lực bỏ ra là xứng đáng.Năm 2018, Ngọc Nghĩa vô địch quốc gia trong tình trạng chấn thương cơ đùi sau. Suốt hai tháng trước khi dự giải, anh không thể chạy nặng. HLV Nguyễn Văn Hoàng chỉ có thể động viên học trò, kết hợp với những bài tập hồi phục và xác định dự giải để cải thiện một chút thành tích cá nhân. Sau cùng, Ngọc Nghĩa giành HC vàng, đồng thời phá kỷ lục quốc gia trong sự ngỡ ngàng của cả thầy lẫn trò.

Ngọc Nghĩa phấn khích khi giúp đội CAND giành HC vàng ở nội dung tiếp sức 4x100m. Ảnh: Kim Hòa.

Trước giải năm 2020, Ngọc Nghĩa không có người tập cùng vì thành tích của anh bỏ quá xa các VĐV khác. Đây là một khó khăn trong tập luyện bởi VĐV sẽ thiếu sự cạnh tranh để vươn lên, hay nói nôm na là thiếu sức kéo. Chính vì vậy, bên cạnh việc bảo vệ HC vàng, việc Ngọc Nghĩa tiếp tục phá kỷ lục quốc gia khiến niềm vui như nhân đôi với hai thầy trò. “Nếu so sánh, tôi vẫn thích thành tích của năm 2020 hơn là 2018. Hai năm trước, phá kỷ lục nhưng tôi vẫn cảm thấy đau còn lần này, cơ thể tôi đã hoàn hảo hơn”, Ngọc Nghĩa cho hay.Sự vươn lên của VĐV người Thái trắng đang thắp lên hy vọng tranh chấp huy chương cho Việt Nam ở SEA Games 2021, trong bối cảnh các nước trong khu vực, đặc biệt Thái Lan, rất mạnh ở nội dung 100m.Kim Hoà

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *