Trên trang Players Tribune, huyền thoại bóng đá Brazil Romario – người vừa sang tuổi 56 hôm 29/1 – kể về cuộc đời, sự nghiệp và nhiều điều ông chưa từng đề cập.
Ở tuổi 56, Romario đã xa rời bóng đá – môn thể thao đưa ông lên vị thế huyền thoại Brazil – để tận hưởng cuộc sống và theo nghiệp chính trị, với vai trò Thượng nghị sĩ ở bang Rio de Janeiro. Ảnh: Players Tribune
Ở một vài đội bóng, tôi yêu cầu được tập trễ.Nhưng tôi không bỏ tập.Chuyện là thế này. Khi trở về thi đấu trong nước, tôi nói với các chủ tịch CLB: “Các ông, tôi bị cái bệnh không dậy sớm được. Tôi xin tập vào buổi chiều nhé”. Họ OK luôn, bằng miệng mà chẳng cần văn bản. Nhưng có nhiều đồn thổi linh tinh về chuyện này. Nào là Romario không ngủ. Romario dậy muộn. Romario bỏ tập. Không, tôi có ngủ, chỉ dậy muộn thôi. Tôi không thể dậy lúc 9 giờ sáng. Tôi vẫn tập bình thường đấy chứ. Các chủ tịch biết chuyện này. Họ nói chuyện với các HLV thế nào thì đó không phải việc của tôi.Tôi chưa từng đi chơi đêm trước trận. Ví dụ Chủ nhật thi đấu, tôi đi chơi hôm thứ Sáu. Dĩ nhiên, điều này không tuyệt đối, nhưng ngoại lệ chỉ xảy ra khoảng một phần mười thôi. Nên nhớ, tôi không hút thuốc, cũng chẳng nghiện ngập gì. Thậm chí không uống rượu dù chỉ một giọt. Tôi không cần mấy thứ đó để mua vui.Có một câu chuyện thế này hồi ở Flumnense. Hôm đó có trận đấu nhưng tôi định không đá. Tôi cũng không nhớ chính xác lý do. Cả đội tập trung 24 tiếng trước trận trong khi tôi ra biển. Rồi vì một vài lý do nào đó, tôi đổi ý, nên đi thẳng đến sân Maracana. Cả đội đã đến đó trước hàng tiếng đồng hồ. Họ đã khởi động xong. Tôi đi thẳng vào phòng thay đồ, mặc quần áo rồi vào sân. Hôm đó, cậu nhóc Marcelo chơi trận ra mắt. Cậu ấy đã mời cả gia đình tới sân để chứng kiến trận này. Nhưng rồi mất suất thi đấu về tay tôi. Tội nghiệp thằng nhỏ. Nhưng dù sao, tôi ghi hai bàn và chúng tôi thắng. Tôi nghĩ đơn giản lắm: Ra sân, mặc áo, ghi bàn. Chẳng có gì bí mật cả. Đơn giản thế thôi…Tôi không phải kẻ kiêu ngạo, tôi chỉ tự tin. Bạn chắc hiểu điều này. Ngay từ khi sinh ra, Chúa đã cho tôi sự cứng cỏi, điều mà nhiều người gọi là bướng bỉnh. Kiêu ngạo, tự mãn, những thứ tương tự thế. Người ta nói Romario là kẻ ham tiệc tùng, thường xuyên bỏ tập, lăng nhăng với phụ nữ. Rồi khi tôi ghi bàn ở trận đấu sau đó, người ta đổi giọng: “Chúa ơi! Romario hay quá. Nó cứng đầu nhưng có ích”. Như vậy, tôi chẳng cần quan tâm quá nhiều chuyện người khác nghĩ gì. Tôi là chính tôi và làm điều phải làm. Tôi trung thực, dù chắc chắn, cũng thi thoảng hay khoác lác một chút.
Romario nhận giải Chiếc Giày Vàng châu Âu năm 1990 bên người vợ đầu tiên – cựu siêu mẫu Brazil Monica Santoro. Ảnh: OFP
Tôi lớn lên với những buổi đá bóng cùng bố bên cạnh đường ray xe lửa gần nhà ở khu Jacarezinho. Hồi 4 tuổi, tôi bị hen suyễn, nên đôi khi mất ngủ. Vào buổi đêm, những lần không thở được, tôi nắm lấy tay bố và tay kia cầm quả bóng để đi đến đường tàu. Tôi nói chuyện với bố trên đường đến đó và rồi chúng tôi chơi bóng khoảng 10 phút. Quả bóng làm tôi mê hoặc. Đá bóng chỉ một chút thôi cũng khiến tôi khuây khỏa. Sau đó khi trở về nhà, tôi ngủ im như một hòn đá.Chúng tôi cùng nhau xây những ngôi nhà. Bố tôi làm nghề thợ nhuộm ở một nhà máy, nhưng vì lương thấp, ông không đủ tiền cho hai anh em tôi đá bóng. Vì thế để có thêm tiền, ông làm thêm nghề thợ xây. Mỗi cuối tuần, anh em tôi phụ bố xây những ngôi nhà tại Vila da Penha, nơi chúng tôi sống khi tôi 5 tuổi. Hai anh em khệ nệ bê gạch, xi măng, ván gỗ…, bất cứ thứ gì cần thiết cho công việc của cha. Công việc này đương nhiên mệt nhọc với những đứa trẻ bé tí như chúng tôi, nhưng thành thật mà nói, tôi hạnh phúc được làm những công việc đó. Vì tôi biết, trong khi bố đang xây nhà, anh em tôi xây những giấc mơ.
Romario: ‘Tôi là tên khốn’
50 bàn đẹp nhất của Romario.
Tôi muốn mình là người giỏi nhất. Khi nói như vậy, ý tôi là, tôi muốn tôi là tiền đạo cừ khôi nhất. Chỉ khi không thể dứt điểm tôi mới chuyền. Nếu “gần như không thể” sút được, tôi sẽ tìm cách để sút được. Bởi một khi tôi là người hay nhất rồi, tốt hơn hết tôi nên tự mình sút bóng, phải không nào? Đó là việc không chỉ tốt cho tôi mà còn cho đội bóng. Trong môn bóng rổ, khi cần ba điểm trong những giây cuối, liệu bạn sẽ ném bóng cho ai? Đương nhiên là Michael Jordan.Tôi có cảm thấy áp lực vì điều này? Trời ạ, tôi yêu áp lực. Với những người khác, sức ép khiến khung thành dường như nhỏ lại. Với tôi, nó to ra. Hãy hình dung tôi vừa ghi được bốn bàn trong trận. Cơ hội tiếp theo đến. Tôi vẫn chắt chiu như thể đấy là cơ hội cuối cùng. Trong sự nghiệp, tôi đối xử với mọi cơ hội đều như vậy. Tôi cố không ồn ào trong 90 phút. Cứ lẳng lặng đá. Nhưng khi các hậu vệ tự nhủ “Quên gã này đi được rồi…”, thì tôi bất thần xuất hiện. Đó là bí quyết sát thương của tôi hay gọi là nghệ thuật “giả chết”.Đồng đội cũ Dunga đã đúng khi cho rằng, hồi ở Vasco de Gama, chúng tôi áp dụng chiến thuật không hợp lý. Tita và Roberto Dinamite cho rằng tôi, thằng trẻ nhất đội, phải chạy vì họ. Đó là những huyền thoại, đúng chưa? Họ có thể làm điều họ muốn, cho đến khi họ không ghi bàn. Vì thế tôi vặc lại: “Nghe này, tôi đã hoạt động rộng vì bọn họ. Tôi đã làm điều tốt nhất cho đội bóng. Tôi hài lòng với việc đó cho đến khi các ông kiểm tra danh sách ghi bàn”. Khi họ còn đang tranh cãi, Dunga đề xuất rằng cứ để anh ta chạy bao sân, và ưu tiên tôi cho nhiệm vụ ghi bàn. Và mọi thứ đã thay đổi khi họ làm theo. Dunga là một gã thông minh, không như những người khác.
Romario chơi 149 trận, ghi 128 bàn trong năm mùa giải chơi cho PSV ở Hà Lan. Ảnh: psv.nl
Hồi ở Hà Lan khó khăn kinh khủng. Tôi chuyển tới PSV năm 22 tuổi khi chưa từng sống ở đâu khác ngoài Rio. Tôi cũng đã tới Ilha do Governador, Copacabana, Barra da Tijuca, nhưng một nơi xa xôi như thế thì chưa. Nó lạnh khủng khiếp. Có lúc tới -17 độ C. Chúa ơi, là -17 độ C đấy. Người ta chỉ trích tôi lười tập, nhưng đâu biết ở đó thời tiết lạnh kinh khủng thế nào. Có dạo ba ngày liền ôi không ra khỏi cửa. Đồng đội lo lắng cho tôi. Họ đến nhà gõ cửa, tôi cóc thèm tiếp luôn. Tôi phải ngủ đông.Nhưng nó lại là một trải nghiệm đáng giá. Tôi đã chứng tỏ bản thân tại Brazil và sẽ phải chứng tỏ bản thân ở đây. Bất cứ khi nào bị lạnh cóng hết ngón chân, tôi lại nhớ về thời phụ việc cho ông bố thợ xây của mình để có cơ may làm cầu thủ. Chẳng lẽ từ bỏ giấc mơ chỉ vì trời lạnh? Đó là cách tôi vượt qua mọi chuyện. Tôi đã trả ơn bằng cách mua cho gia đình một ngôi nhà ở Freguesia, tại Jacarepaguá, thuê hẳn người giúp việc và tài xế riêng. Đó là một chiến thắng vĩ đại.Tôi luôn biết ơn PSV, nơi tôi cống hiến gần 5 năm, nhưng tôi phải ra đi. Barca có sức hút không thể cưỡng. Cruyff trở thành một trong những người bạn bóng đá thân thiết nhất của tôi, khi ông ấy dẫn dắt Barca. Hồi mới tới, tôi muốn mặc số 11, số yêu thích của tôi. Cruyff cho tôi số 10. Tôi bảo: “Sếp, thật vinh dự cho em, nhưng em thích số 11”. Nhưng ông ấy lắc đầu, đáp lại: “Ở đội bóng của tôi, người hay nhất luôn mặc số 10”. Trời ơi, làm sao mà phản đối được nữa sau câu nói đó. Tôi muốn mặc số 10 mãi mãi.Cruyff có thể chơi bóng cùng các cầu thủ. Ông ấy thường nói: “Cậu nhận bóng ở đây, quay ra kia rồi sút vào góc cao”. Chúng tôi chỉ muốn chửi thề: “Khó thế ai mà làm được”. Nhưng rồi Cruyff thị phạm. Một phép màu. Với ông ấy, dường như mọi thứ đều đơn giản. Sẽ mất thời gian để người ngoài hiểu được. Cruyff rất giỏi nhưng không phải ai cũng thích nghi được. Bạn cần cố gắng hết sức, nhưng nếu không có tố chất bẩm sinh, bạn cũng không thể làm học trò của Cruyff.
Romario xem được làm học trò của Cruyff là một vinh hạnh trong sự nghiệp hiển hách của anh. Ảnh: Just Football
Tôi chưa từng đặt mục tiêu dự World Cup 1994. Sự thật là vậy. Brazil có thể dễ dàng vượt qua vòng loại, nhưng sau khi tôi gây hấn với các HLV đội tuyển, họ không thèm gọi tôi. Mọi chuyện chỉ thay đổi khi đội tuyển cần tối thiểu một điểm trước Uruguay ở trận cuối vòng loại. Các HLV hiểu nếu không qua được cửa ải này, họ chỉ có nước cuốn xéo khỏi đất nước. Nên họ phải làm gì? Quay lại với cầu thủ hay nhất chứ còn gì nữa. Tôi không hề thấy áp lực. Tôi tham gia trận đó để tìm vui, tiện thể chứng minh cho những ông thầy trước đó đã sai lầm cỡ nào. Bạn có thể hỏi các nhân chứng của trận đó, và họ sẽ đều nói đó là trận hay nhất mà một cầu thủ bóng đá từng chơi. Trên thang điểm từ 1 đến 10, tôi chấm 11.Trước trận, tôi cá với trung vệ Ricardo Rocha: Tôi sẽ toả sáng, với hai cú xỏ kim đối phương, hai quả chapéus (tâng bóng qua đầu đối phương) và ghi hai bàn. Hết hiệp một, khi tôi tịt ngòi, ai đó trên băng ghế dự bị hét lên: “Ghi bàn đi chứ”. Tôi vặc lại: “Bình tĩnh đi. Đã hết giờ đâu”.Tôi từng nói nhiều lần rằng Brazil sẽ vô địch World Cup, và nếu không làm được điều đó, tất cả là lỗi do tôi. Tôi biết đội hình năm 1994 đó rất chất lượng và tự hứa với bản thân sẽ đá một giải để đời. Thực tế diễn ra thật đẹp đẽ.Về vụ tranh cãi chia tiền thưởng sau World Cup, tôi chỉ muốn làm điều tốt nhất cho tất cả. Năm 1990, vụ tranh cãi tiền tài trợ kết thúc trong thất bại, khi nó khiến cầu thủ phân tâm. Còn lần này, năm 1994, họ chia tiền không sòng phẳng. Tôi đã đứng ra tuyên bố: tiền phải được chia đều. Romario, Vua phá lưới, nhận tiền thưởng bằng với đầu bếp của đội tuyển. Cho nên, toàn đội họp, số đông ủng hộ đề xuất của tôi. Ai cũng có nhiều tiền. Mọi người cảm thấy đồng hội đồng thuyền. Đội tuyển sau đó ngày càng mạnh hơn.
Romario nâng World Cup năm 1994. Ảnh: AFP
Tôi muốn hạnh phúc thay vì giàu có. Khi trở về nước sau World Cup, tôi không tưởng tượng nổi việc làm một nhà vô địch là như thế đấy. Tình yêu của đám đông cuồng nhiệt, sự ấm áp của mọi người có thể cảm nhận được như cát dưới chân. Tôi đã xa Rio quá lâu nên quên mất rằng tôi yêu nó đến nhường nào. Do đó, tôi trở lại Tây Ban Nha trễ hai tuần. Khi Flamengo muốn ký hợp đồng với tôi trong năm đó, tôi đã tự vấn bản thân: Tôi thật sự muốn gì? Về mặt tiền bạc, đó không phải là lời đề nghị đắt giá, dù họ trao cho tôi bản hợp đồng lớn chưa từng có trong lịch sử Brazil. Tôi 29 tuổi, tức có thể toả sáng thêm nữa ở châu Âu. Tôi là siêu sao trong một Dream Team. Nhưng nếu quá toan tính, bạn sẽ không bao giờ thoát khỏi nó. Ở Rio, tôi được sống gần bố mẹ, em trai, những đứa con, bạn bè, bãi biển của tôi, nhạc funk của tôi, hip hop của tôi, mặt trời của tôi, Barra da Tijuca của tôi. Tôi biết quyết định đó thật lạ lùng với số đông, nhưng tôi nghe theo tiếng gọi trái tim mình.Khi bước sang tuổi 35, tôi không còn quan tâm đến việc phải thi đấu thật tốt nữa. Tôi chỉ muốn đạt cột mốc 1000 bàn. Họ nói tôi lười tập. Đúng vậy, nhưng theo một cách khác. Những cầu thủ khác chạy tăng tốc 70 lần hoặc chạy 7 cây số, còn tôi dứt điểm 70 lần trúng khung thành. Tôi tập luyện theo một phương pháp riêng để làm những điều đặc biệt trên sân. Bạn hiểu điều này chứ? Những năm cuối sự nghiệp, tôi dành bốn trong năm buổi tập chỉ để tập dứt điểm. Không ai giỏi được nếu không rèn luyện, kể cả tôi. Hãy kể tên những thiên tài thể thao, và tôi có thể cam đoan với bạn rằng họ đều đã rèn luyện rất nhiều.Có người nói: “Tôi là đồ ích kỷ”. Dĩ nhiên là không. Bởi nếu tôi ghi bàn, tôi thắng thì đội cũng thắng. Cuộc chơi là vậy.Bàn thắng thứ 1000 đến một cách khó khăn. Khi ấy tôi đã 41 tuổi, tâm trí phải đấu lại đôi chân vốn đã không nghe lời. Tôi luôn phải nghĩ ngợi: Liệu nên chạy đến vị trí nào? Làm thế nào thoát khỏi hậu vệ theo kèm? Trong các trận đấu, não tôi phải làm việc hết hơi.Tôi đã mời bạn bè khắp nơi đến chứng kiến khoảnh khắc bàn thắng thứ 1000. Họ đã bay đến từ Hà Lan, Australia, Miami. Họ xem một trận đấu nhưng tôi không ghi bàn. Họ xem một trận nữa, rồi lại một trận tiếp nữa, ba trận mà quả bóng chết tiệt vẫn không vào lưới. Với một cầu thủ như tôi, khoảng thời gian đó dường như vô tận. Chúng tôi đã chuẩn bị màn ăn mừng hoành tráng nhưng đến những giây phút cuối, tôi chỉ tự nhủ: “Nghe này, anh bạn, hãy hoàn thành cái việc chết tiệt này đi”.Bạn sẽ làm gì sau khi ghi bàn thắng thứ 1000 trong sự nghiệp? Ngay niềm vui đó cũng không kéo dài mãi. Tôi cần một mục tiêu mới. Bóng đá không còn lại gì cho tôi nữa.Tất cả đều là chính trị gia. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta tranh cãi và đàm phán với nhau. Khi trở thành một thượng nghĩ sĩ Brazil, tôi đối diện với vấn đề như khi làm cầu thủ, bởi có tồn tại chính trị trong bóng đá. Tôi đã cãi nhau với các HLV, các giám đốc và các vị chủ tịch, bởi sự bướng bỉnh của mình. Bóng đá không dung thứ một người như tôi. Nếu không xảy ra những việc đó, tôi có thể dự thêm 2 World Cup nữa, 2 kỳ Olympic nữa. Đó là cái giá phải trả cho việc được là chính mình.Tôi tham gia chính trường để chiến đấu cho những con người như con gái Ivy của tôi. 16 năm trước, đứa con bé bỏng thứ sáu ấy của tôi chào đời và mắc Hội chứng Down. Con bé là một phước lành. Chúa đã gửi thiên thần nhỏ xuống cho tôi. Trước khi con bé chào đời, tôi chưa từng tiếp xúc bất cứ ai bị khuyết tật hay mắc bệnh hiếm. Tôi không thể hiểu những nỗi khổ của họ. Thế rồi Ivy giúp tôi nhận ra họ cần giúp đỡ biết bao, và không ai trên đất nước Brazil này giang tay với họ. Vì vậy tôi hiểu mình cần phải đứng lên bảo vệ mọi người, đặc biệt với những hoàn cảnh kém may mắn. Họ có quyền sống như những người bình thường ngoài xã hội.Từ khi có Ivy, nhiều người bạn bắt đầu kể cho tôi nghe nhiều câu chuyện hơn về những gia đình có người mắc bệnh hiếm. Họ chưa từng chia sẻ những chuyện đó với ai, nhưng đã bắt đầu mở lòng. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi đã góp phần khiến họ hòa nhập hơn. Vì sao phải che giấu nỗi lòng? Ivy chưa từng cho tôi cảm giác nào khác ngoài niềm hãnh diện.
Romario xem con gái út Ivy (đầm đen) là một phước lành mà Chúa ban cho. Ảnh: Instagram
Liệu tôi có tiếc nuối điều gì không? Ôi trời, tôi đã là rất nhiều thứ: một thằng bướng bỉnh, một thằng mất dạy, một tên khốn… một bản danh sách dài. Nhưng hãy phán xét tôi dựa trên hoàn cảnh từng thời điểm. Tôi bây giờ đã khác tôi trước đây và thế giới bóng đá cũng thay đổi nhiều. Tôi xuất phát từ con số 0, đã chiến đấu để trở thành số 1 và kết thúc câu chuyện một cách hết mình. Mọi việc tôi làm, tốt hay xấu, đều xuất phát từ trái tim.Nếu được làm lại, tôi vẫn sẽ như vậy. Thời gian không trở lại. Ngày mai, tôi 56 tuổi. Tôi bình thản đón nhận. Tôi sẽ vẫn làm những việc tương tự quá khứ, nhưng theo một cách khác. Sự thật là vậy.Không ai hoàn hảo. Chúng ta không thể trở thành mọi thứ chúng ta muốn. Tôi cảm ơn Chúa vì điều đó.Đỗ Hiếu (theo Players Tribune)