Cơ duyên đưa Guillaume Graechen đến Việt Nam, và tình yêu níu chân HLV người Pháp ở lại, cho ông cơ hội xây đắp gia đình rồi được chứng kiến những “đứa con tinh thần” như Công Phượng, Xuân Trường… trưởng thành.- Sau khi bị HAGL cho thôi chức HLV trưởng hồi tháng 8/2015, công việc của ông hiện tại thế nào?- Sau khi ngừng nhiệm vụ tại V-League, tôi tiếp tục công việc ở học viện HAGL JMG. Thực tế, tôi vẫn làm việc này trong thời gian dẫn dắt đội một. Tình thế lúc đó buộc tôi kiêm nhiệm cả hai vị trí. Khi ấy, Học viện JMG cử một người làm trợ lý, giúp tôi công việc ở Học viện. Nhưng quyền quyết định cuối cùng vẫn thuộc về tôi. Từ 2016 đến 2018, tôi đào tạo khoá III và khóa IV. Từ tháng 9/2020, tôi chuyển sang làm việc ở Học viện Nutifood JMG.- Ông đến Việt Nam trên tư cách HLV đào tạo trẻ, trở thành HLV chuyên nghiệp, nhưng bây giờ quay lại làm đào tạo trẻ. Ông đánh giá thế nào về hành trình đã qua?- Tôi rất hạnh phúc. Tôi muốn cảm ơn bầu Đức vì đã thay đổi cuộc đời tôi. Tôi đã lấy vợ, có con ở Việt Nam và vô cùng yêu đất nước này. Có sự khác biệt lớn giữa HLV đội một ở V-League và HLV đội trẻ. HLV đội trẻ là công việc đào tạo ra các cầu thủ, trong khi HLV đội chuyên nghiệp sử dụng họ. Tại học viện, chúng tôi không chịu áp lực thắng hay thua, nhưng ở V-League thì lúc nào cũng phải chăm chăm giành ba điểm. Nhưng mọi người đừng quên rằng tôi cầm quân ở V-League với đội hình U17, U18 và bị hạn chế về ngoại binh. Đó thực chất là đội hình khoá I của Học viện.- Bầu Đức thay đổi cuộc đời ông thế nào?- Năm 2005, bầu Đức qua Thái Lan tham quan học viện Arsenal JMG. Thông qua Arsenal, ông ấy tiếp cận HLV Jean-Marc Guillou – sếp của tôi – và bày tỏ nguyện vọng thành lập một học viện tương tự tại Việt Nam. Sau đó, ông Guillou liên lạc với tôi. Khi ấy, tôi còn là cầu thủ của CLB Nancy. Tôi phải xin phép Chủ tịch CLB rồi bán hết đồ đạc để lên đường tìm thử thách mới. Vì học viện ở Việt Nam chưa xây dựng xong, tôi ở Thái Lan sáu tháng để học hỏi trước khi về làm việc.- Ở học viện HAGL có nhiều giai thoại về việc các cầu thủ tập luyện bằng chân đất. Phương pháp đó có còn được duy trì?- Bây giờ các cầu thủ vẫn đá chân đất cho đến khi vượt qua bài kiểm tra tâng bóng cấp độ 2, thông thường từ 12 đến 16 tuổi. Tuy nhiên, vẫn có những cầu thủ vượt qua bài kiểm tra sớm hơn. Trong khoá I có năm người được mang giày sớm hơn các bạn là Xuân Trường, Công Phượng, Vũ Văn Thanh, Văn Sơn và Tuấn Anh.Cho đến nay, tôi vẫn giữ những tấm ảnh chụp các học trò khoá I nhận chiếc giày đầu tiên trong sự nghiệp. Tôi còn nhớ ngày vượt qua bài kiểm tra để được mang giày, các cậu ấy chạy vòng quanh sân la hét vì quá sướng. Hồi đó, họ đề xuất đôi giày nào, học viện mua tặng đôi đó. Bây giờ, cầu thủ có điều kiện hơn nhưng hồi xưa, đôi giày là cả một gia tài với cầu thủ trẻ.
Graechen khoe tấm ảnh chụp Công Phượng lần đầu tiên được nhận đôi giày do CLB mua. Ảnh: Đức Đồng.- Tuy nhiên, ngoại trừ khoá I, những lứa sau của HAGL không còn nổi bật nữa. Nguyên nhân vì sao?- HAGL ngừng hợp tác với JMG từ năm 2013. Bây giờ, cách làm việc của họ khác xưa rồi. Tôi không muốn nhắc tới nữa nhưng điều đó khiến tôi rất buồn. Những cầu thủ ở khóa cuối cùng tôi huấn luyện (khóa IV) bị cho mượn hết. Hai cầu thủ xuất sắc đã giải nghệ, chuyển sang thi đấu futsal. Bảy năm làm việc coi như đổ sông đổ bể. Các cầu thủ của tôi thi đấu với nhau bảy năm để thấm nhuần một triết lý và họ cần được đá cùng nhau. Bây giờ tản mát mỗi người một đội, một môi trường khác nhau. Khó trách họ không thể phát huy khả năng. Tôi nghĩ HAGL cần học cách làm của Hà Nội, gửi cầu thủ cho một đội bóng ở hạng dưới để đảm bảo họ được thi đấu cùng nhau. Nếu những người này đá tốt có thể được đưa về đội V-League. Hà Nội từng có đội Hà Nội B, sau trở thành Hà Tĩnh đang tranh tài ở V-League. Trước đây, bầu Đức từng gửi quân như vậy cho đội Phú Yên, nhưng chỉ được một lần.- Nhiều người gọi ông là “thầy giáo”, chỉ thích hợp đào tạo trẻ chứ không phù hợp với công việc HLV đội chuyên nghiệp. Ông nghĩ sao về điều đó?- Tôi e rằng mọi người phán xét như vậy là quá sớm. Tôi chỉ dẫn dắt một đội U17, U18 thi đấu tại V-League 2015. Quá sớm để nói tôi không thể thành công ở môi trường chuyên nghiệp. Mọi người có thể gọi tôi là thầy thay vì HLV nhưng không nên vội phán xét khả năng của tôi. Hãy đợi đến năm tôi 50 tuổi rồi đánh giá.
Công Phượng đi bóng trong sự bủa vây của các cầu thủ U19 AS Roma, ở giải giao hữu trên sân Mỹ Đình năm 2014. Ảnh: Đức Đồng.- Vậy nếu được nắm đội HAGL mùa này, thay vì đội U17, U18 như năm 2015, ông nghĩ mình sẽ thành công ở V-League 2021 chứ?- Nếu tôi cầm đội hình năm nay thì cũng vô địch thôi (cười). Những vị trí HAGL bổ sung năm nay chính xác là những vị trí tôi đề xuất tăng cường từ năm 2015. Đó là thủ môn, trung vệ và tiền đạo. Cách đây sáu năm, mỗi CLB được dùng hai ngoại binh. Năm nay được dùng ba, trong khi HAGL còn có đến ba cầu thủ nhập tịch. Bên cạnh đó, nòng cốt của đội hình năm nay là lứa cầu thủ do tôi đào tạo.- Tức là, ông tin HAGL sẽ vô địch V-League năm nay?- Đúng vậy. Có nhiều yếu tố khiến tôi tin như vậy. Thứ nhất, họ có một HLV giỏi. Kiatisuk luôn làm việc đơn giản, dễ hiểu. Mỗi vị trí trên sân, ông ấy chuẩn bị hai người. Tại sao tôi đánh giá ông ấy giỏi? Tôi làm việc ở sân bên này, nhìn sang chỉ năm phút là hiểu bài tập của ông ấy. Vì những bài tập đó đều đơn giản, dễ hiểu, không phức tạp. Thứ hai, các học trò của tôi không còn nhỏ bé và non nớt nữa. Họ đã 25, 26 tuổi và bước vào độ chín của sự nghiệp. Thứ ba, HAGL đang có những ngoại binh giỏi.Dù đã trải qua một số chuyện không vui với CLB, tôi vẫn là người đầu tiên ủng hộ đội bóng. Bởi HAGL chiếm một vị trí quan trọng trong tim tôi và nơi đó có các cầu thủ do tôi từng đào tạo. Năm nay, kỷ niệm 20 năm thành lập CLB, nên mọi người đều muốn giành chức vô địch để làm món quà cho bầu Đức.- Vậy chuyện ông tiếc nuối trong thời gian làm việc tại HAGL là gì?- Với tôi, thời gian gắn bó với HAGL đều là những kỷ niệm đẹp. Chỉ có hai điều khiến tôi buồn trong thời gian tranh tài tại V-League. Thứ nhất, có rất nhiều chuyện ngoài bóng đá xảy ra. Thứ hai, đội không giành điểm nào trên sân khách. Thời còn làm việc ở V-League, tôi rất muốn mang lối chơi tấn công đẹp mắt vào thi đấu. Đó là lỗi của tôi vì tự tin thái quá, không quan tâm đến đối thủ là ai. Thay vì thích nghi với từng đối thủ, tôi luôn áp dụng một lối đá vì tự tin với những cầu thủ mình có.Năm nay, HAGL trưởng thành hơn, biết lúc nào tấn công, lúc nào cần lùi về. Nhưng dưới thời của tôi, tôi yêu cầu cầu thủ không cho đối thủ chuyền quá năm đường chuyền, pressing và tìm cách kiểm soát bóng. Vì khi ấy, các cầu thủ đã làm việc với tôi bảy năm, luôn theo triết lý đó. Tôi không thể vì thi đấu ở V-League mà yêu cầu các cầu thủ thay đổi. Đó cũng là mong muốn của bầu Đức khi lập ra học viện, muốn có một đội bóng theo đuổi lối chơi tấn công hoa mỹ.
HLV Graechen còn nhiều tiếc nuối trong giai đoạn dẫn dắt cầu thủ HAGL đá V-League. Khi đó, trong tay ông toàn là cầu thủ trẻ, ít ngoại binh chất lượng. Ảnh: Đức Đồng.- Ông có vẻ như quá lãng mạn cho vị trí HLV bóng đá chuyên nghiệp?- Lãng mạn hay không do cầu thủ. Cầu thủ, người tạo ra những pha bóng trên sân, mới là nghệ sĩ. Với tôi, bóng đá là tấn công. Có bóng tấn công mà mất bóng cũng phải tấn công. Trên hết, tôi có những cầu thủ ưa thích lối chơi đó.HAGL bây giờ không tấn công bằng mọi giá như xưa, một phần vì các cầu thủ đã trưởng thành hơn. Ngoài ra, họ có một hàng thủ tốt với những trung vệ to cao. Thời của tôi, các cầu thủ không có thể hình tốt như thế, kể cả hậu vệ hay thủ môn. Vì thế, chỉ còn cách dâng cao gây áp lực, xem tấn công là cách phòng thủ tốt nhất.- Nhưng chẳng phải, Học viện HAGL từng thực hiện phương pháp đo xương để dự đoán chiều cao cầu thủ ?- Thực sự thì Học viện chưa bao giờ xem trọng yếu tố thể hình ở đầu vào. Làm sao có thể dự đoán chiều cao của một cậu nhóc 11, 12 tuổi? Khoá I của học viện HAGL có tiến hành đo xương để dự đoán chiều cao sau này. Nhưng chỉ một mình Tuấn Anh vượt qua mức dự đoán. Những em khác đều kém 10 cm. Tôi rất không đồng ý với những học viện yêu cầu tuyển cầu thủ cao trên 1m70. Theo tôi, chúng ta không nên phân biệt đối xử mà cần trao cơ hội cho tất cả những ai có khả năng.- Hồi tháng Tư, ông và học viện Nutifood JMG thua chung kết U19 Quốc gia. Trước đó, ông từng nhiều lần rơi vào cảnh tương tự. Cảm giác của ông thế nào khi bị gọi là “vua về nhì”?- Dù gì tôi vẫn thích vào chung kết hơn là bị loại sớm. Tôi vẫn nghĩ lạc quan như thế này: Mình thua chung kết thì chỉ bực mình hai ngày. Sau đó mọi chuyện cũng trôi qua vì đó là bóng đá. Như thế vẫn hơn bị loại sớm. Đừng nghĩ tới việc thua, hãy nghĩ tới việc mình đã vào chung kết.Sau khi vào chung kết U19 Quốc gia hồi tháng Tư, tôi nói đùa với Chủ tịch Nutifood Trần Thanh Hải là sẽ không ra sân để tránh mang vận rủi cho đội bóng, nhường quyền chỉ đạo cho HLV phó. Nhưng cuối cùng tôi vẫn đến sân. Thấy tôi, Chủ tịch bất ngờ và hỏi: ‘Ủa, sao ông nói ông ở khách sạn mà vẫn ra đây hả, Vua về nhì?’ Tôi đáp là: ‘Tôi quên’.- Ông đánh giá ra sao về cơ hội của Việt Nam ở vòng loại World Cup 2022 – khu vực châu Á?- Thử thách lớn nhất với Việt Nam ở ba trận vòng loại sắp tới là thời tiết tại Dubai rất nóng vào tháng Sáu, nóng hơn Hà Nội khá nhiều. Hy vọng các cầu thủ có thể chơi tốt hai trận gặp Indonesia và Malaysia để đi tiếp. Tôi chỉ dám hy vọng thôi. Không thể nói trước.- Thế còn phong độ của Văn Toàn – người đang dẫn đầu danh sách ghi bàn của V-League mùa này. Liệu cậu ấy có thể toả sáng ở vòng loại World Cup sắp tới?- Với tôi, Văn Toàn sinh ra để đá tiền đạo. Mọi người có thể thấy HLV Kiatisuk đã nhìn ra điều đó rất nhanh. Chỉ cần được đá đúng vị trí sở trường, cậu ấy sẽ phát huy. Ở đội tuyển, Văn Toàn đá tiền vệ phải. Bởi đội tuyển đá theo sơ đồ 5-4-1, chỉ có một tiền đạo. Vị trí đó đã có Anh Đức, Tiến Linh và Đức Chinh. HAGL đá 3-5-2, có hai tiền đạo, Văn Toàn mới có đất diễn. Tuy nhiên, sử dụng cầu thủ thế nào là việc của HLV. Tôi và Kiatisuk nghĩ cậu ấy là tiền đạo nhưng ông Park có thể không nghĩ vậy.- Bên cạnh thành công chuyên môn, nhiều cầu thủ HAGL đã lấn sân sang nhiều lĩnh vực khác. Nhiều người đã lập gia đình và có hạnh phúc riêng. Ông cảm thấy thế nào?- Thời còn dạy dỗ họ, tôi chỉ chăm sóc, rèn luyện thêm tiếng Anh, phát triển tư duy chứ thực sự không nghĩ chúng có thể làm được những việc ngoài bóng đá như hiện nay. Tôi cũng từng suy nghĩ chủ quan về việc cầu thủ nào sẽ làm gì sau khi giải nghệ nhưng không nghĩ trong lúc còn thi đấu, họ đã làm được như vậy. Ví dụ như Văn Toàn có mác áo riêng, Xuân Trường mở trung tâm y tế… Tôi biết các em đều thông minh. Thông minh trên sân thì sẽ thông minh ngoài đời. Nhưng tôi không nghĩ họ sẽ sử dụng những đồng tiền kiếm được thông minh như vậy. Tôi rất mừng vì điều đó.Quang Huy – Đức Đồng