Nếu như mẫu A đã được xác định dương tính với chất cấm tại SEA Games 31, các VĐV Việt Nam chỉ có khoảng 0,01% khả năng đảo ngược tình thế ở mẫu B.
Doping trong thể thao không hiếm. Theo thống kê của riêng Liên đoàn điền kinh thế giới (IAAF) tính đến hết tháng 8/2022, có 496 VĐV điền kinh đang bị cấm thi đấu chủ yếu vì dương tính với các chất cấm.Danh sách trên không có cái tên nào của Việt Nam. Nhưng hiện tại, có hai VĐV điền kinh Việt Nam từng thi đấu ở SEA Games 31 nhận kết quả dương tính với một chất cấm từ mẫu A, và đang chờ kết quả xét nghiệm mẫu B.
Hai lọ đựng mẫu thử xét nghiệm doping, gồm mẫu A và mẫu B. Ảnh: AP
Trong 11 ngày thi chính thức ở SEA Games 31, ban tổ chức đã lấy mẫu xét nghiệm máu và nước tiểu của 800 đến 1.000 VĐV. Những mẫu này được thu thập, bảo quản rồi vận chuyển sang Thái Lan để lần lượt chờ xét nghiệm. Luôn có người giám sát để đảm bảo VĐV được lấy mẫu từ chính cơ thể họ, dù là nước tiểu hay máu. Các mẫu này được chia làm hai ống, gọi là mẫu A và mẫu B.Hàng nghìn mẫu như vậy lần lượt được xét nghiệm riêng lẻ. Sau khi kết thúc đợt xét nghiệm mẫu A, ban tổ chức thông báo đến những VĐV dương tính. Những người này sẽ có quyền đề nghị xét nghiệm mẫu B, và chứng kiến trực tiếp quy trình xét nghiệm mẫu này nếu muốn. Vì thế, thời gian để có kết quả mẫu B có thể tốn thêm vài tuần hoặc vài tháng.Nếu mẫu B âm tính, kết quả dương tính ở mẫu A sẽ bị huỷ, tức là VĐV được coi là “sạch”. Còn nếu mẫu B cũng dương tính, VĐV sẽ đối mặt với án phạt từ liên đoàn thể thao tương ứng.Trường hợp mẫu A dương mà mẫu B âm đã có trong quá khứ, như chân chạy Marion Jones ở giải vô địch Mỹ 2006, VĐV điền kinh Denis Nizhegorodov và rowing Alexander Kornilov tại Olympic 2008, hay cua-rơ Vania Rossi tại Tour de France 2008. Nhưng các ngoại lệ như trên không nhiều, nếu so với những trường hợp mẫu B cũng dương tính.Tiến sĩ Gary Wadler từ Cơ quan phòng chống doping thế giới (WADA) nói rằng những trường hợp như vậy “khá hiếm gặp”. “Trường hợp đó không phải lỗi từ WADA”, ông nói thêm. “Mà nó cho thấy quyền lợi của các VĐV”.Ông Wadler giải thích thêm rằng có thể ở mẫu A, thành phần chất cấm trong máu chỉ vượt quá quy định một chút, nhưng cũng bị coi là dương tính. Còn ở mẫu B, thành phần chất cấm lại thấp hơn quy định một chút, tức là kết quả âm tính. Điều này có thể xảy ra, nhưng không nhiều.
VĐV Bahrain Kemi Adekoya từng dương tính với chất cấm ở Asiad 2018 tại Indonesia, và bị tước HC vàng. Ảnh: AP
Tháng 11/2016, VĐV bóng bầu dục New Zealand Patrick Tuipulotu cũng nhận kết quả dương tính ở mẫu A, khiến anh bị cấm dự các hoạt động liên quan đến môn thể thao này. Đến tháng 2/2017, anh lại nhận kết quả âm tính ở mẫu B, nên lại được quyền thi đấu, thoát khỏi án cấm hai năm.Cơ quan phòng chống chất cấm thể thao New Zealand (DFSNZ) nhận trách nhiệm lấy mẫu thử của Tuipulotu, trước khi gửi kết quả lên để WADA xét nghiệm. “Trong hàng chục nghìn mẫu thử chúng tôi đã lấy, tôi chỉ nhớ khoảng một đến hai trường hợp mẫu A dương mà mẫu B âm”, Chủ tịch DFSNZ Graeme Steel nói. “Xác suất có thể chỉ là 0,01%”.Ông Steel cũng không loại trừ khả năng việc xét nghiệm trong phòng thí nghiệm có vấn đề khiến mẫu thử B không trùng với mẫu A.Nếu mẫu B cũng dương tính, VĐV sẽ nhận được thông báo yêu cầu giải trình về lý do dùng chất cấm. Sau đó, các liên đoàn sẽ áp dụng mức phạt cụ thể với VĐV, thường là cấm thi đấu nhiều năm, đồng thời tước bỏ thành tích của họ tại giải đấu được xét nghiệm.Chẳng hạn ở Asiad cuối tháng 8/2018 tại Indonesia, chân chạy Bahrain gốc Nigeria Kemi Adekoya đoạt HC vàng chạy 400m rào nữ. Đến tháng 9/2018, sau khi mẫu B cũng dương tính, cô nhận thông báo đề nghị giải trình về sự việc, đối mặt nguy cơ bị cấm thi đấu. Cô kháng cáo, khiến quy trình xử lý của IAAF bị kéo dài. Tháng 7/2019, IAAF ra văn bản cấm Adekoya thi đấu bốn năm, và xoá các thành tích của cô sau ngày 24/8/2018, trong đó có kết quả ở Asiad. Nhờ đó, Quách Thị Lan được đôn lên giành HC vàng lịch sử.Trong 496 VĐV điền kinh đang bị cấm thi đấu, có 299 người nhận án bốn năm, chiếm 60%. Ngoài ra, có một người bị cấm một năm, 29 người bị hai năm, 40 người bị ba năm, 54 người bị tám năm, hay 55 người bị cấm trọn đời.Trong lịch sử, thể thao Việt Nam ghi nhận 19 trường hợp dính doping kể từ SEA Games 2003. Trong đó có một số ca điển hình như á quân Olympic Hoàng Anh Tuấn hay “công chúa” thể dục dụng cụ Đỗ Thị Ngân Thương… Đa số các trường hợp này đều xuất phát từ việc thiếu kiến thức và kỹ năng phòng chống doping ở mức tối thiểu, bởi các loại thuốc họ sử dụng đều quá dễ bị phát hiện như thuốc lợi tiểu hay hỗ trợ năng lực đàn ông. Riêng SEA Games 2003 – kỳ đại hội đầu tiên tổ chức ở Việt Nam, nước chủ nhà ghi nhận bốn trường hợp dính doping. Trong đó có ba VĐV giành HC vàng và một VĐV giành HC bạc.Xuân Bình